6h: Cà phê bệt ở Nhà thờ Đức Bà
Cà phê bệt được xem là một trong những nét văn hóa đặc trưng của người dân thành phố. Mỗi buổi sáng, khu vực công viên 30/4, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TPHCM (quận 1, TPHCM) lại nhộn nhịp với nhiều người trẻ tụ tập để nhâm nhi ly cà phê thơm phức.
Phố xá TPHCM dịp lễ tĩnh lặng, ít xô bồ như ngày thường. Dưới những tán cây xanh, các bạn trẻ có thể ngắm nhìn đường phố rợp bóng cờ, chuyện trò và cùng chụp ảnh lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ.
Ngoài uống cà phê bệt, bạn cũng có thể ăn sáng bằng bánh mì – món ăn đường phố đặc trưng và vô cùng tiện lợi.
8h: Check-in Dinh Độc Lập
Cách Nhà thờ Đức Bà không xa, các bạn có thể đến Dinh Độc lập (quận 1, TPHCM) – công trình mang tính lịch sử của Việt Nam. Vào những dịp lễ lớn của đất nước, nhiều bạn trẻ thường diện áo dài để chụp ảnh lưu niệm tại nơi đây.
Dinh Độc lập giúp nhiều người hiểu hơn về lịch sử dân tộc (Ảnh: Hoàng Giám).
Dinh Độc lập ngoài việc là điểm tham quan ý nghĩa, đây còn là nơi giúp mọi người hiểu hơn về lịch sử dân tộc, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với những anh hùng của đất nước.
10h: Xem triển lãm đa giác quan Hokusai
Triển lãm nghệ thuật đa giác quan của danh họa người Nhật Bản Katsushika Hokusai đang là một trong những điểm đến thú vị, được giới trẻ tại TPHCM quan tâm.
Triển lãm diễn ra tại tầng 25 của tòa nhà Riverfront Financial Centre (quận 1, TPHCM), trưng bày hơn 100 tác phẩm với nhiều hình thức khác nhau như thực tế ảo, 3D mapping, tương tác cảm biến hòa cùng âm nhạc… giúp người xem có thể hòa mình trong không gian nghệ thuật nhiều màu sắc và “thu hoạch” được những kiểu ảnh đẹp làm kỷ niệm.
12h: Ăn trưa tại Cơm tấm Đại Hàn – Cà phê Đỗ Phủ, khám phá hầm chứa vũ khí bí mật của Biệt động Sài Gòn
Quán Cơm tấm Đại Hàn – Cà phê Đỗ Phủ hoạt động trong một căn nhà xây dựng năm 1963 trên đường Trần Quang Khải (quận 1, TPHCM). Đến đây, các bạn có thể thưởng thức món cơm tấm với miếng sườn mềm được ướp thơm phức, vừa miệng, ăn cùng nước mắm chua ngọt đậm đà.
Đặc biệt, sau khi dùng bữa, thực khách còn có thể miễn phí tham quan Bảo tàng mang tên Biệt động Sài Gòn, nằm ở tầng 2 của căn nhà.
Đây vốn là cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng biệt động dưới sự quản lý của ông Trần Văn Lai – thành viên của đơn vị 159 Biệt động Quân khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, từng hoạt động bí mật trong nội thành Sài Gòn dưới vỏ bọc là nhà tư sản Mai Hồng Quế.
Bảo tàng có ứng dụng 4 công nghệ hiện đại, có thể giúp người xem cảm nhận được phần nào những lịch sử oai hùng của Việt Nam, gồm: Chiếc bàn tích hợp thông tin lịch sử; công nghệ chiếu phim lịch sử trên mọi bề mặt, không cần điều khiển mà chỉ cần chạm tay vào bề mặt tường; công nghệ kính thực tế ảo VR để người xem hóa thân thành những chứng nhân lịch sử qua hình ảnh 3D và công nghệ mapping, hình ảnh hoa văn cây cỏ chuyển động.
14h: Tham quan Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tọa lạc trên đường Võ Văn Tần (quận 3, TPHCM). Đây là nơi lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật, phim ảnh về chiến tranh, hậu quả từ các cuộc chiến tranh xâm lược đối với Việt Nam, thu hút khá đông du khách, nhất là dịp lễ, Tết.
Bước trong các ngóc ngách của bảo tàng, nhiều người đã xúc động khi những ký ức về chiến tranh hiện ra sống động. Đây được xem là một trong những điểm đến mang giá trị tinh thần lớn cho người trẻ nói riêng cũng như người dân thành phố.
Lễ Quốc khánh năm nay, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh miễn phí tham quan cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông có thẻ học sinh tại các trường học trên địa bàn TPHCM và người dân có nơi thường trú (theo căn cước công dân) là TPHCM.
16h: Check-in cờ đỏ sao vàng tại quán cà phê Giang
Sau khi dùng bữa trưa, du khách có thể ghé quán cà phê Giang (quận 10, TPHCM) để thưởng thức những món nước mát lạnh. Điều khiến quán cà phê này trở nên đặc biệt chính là vào dịp Quốc khánh, một số thức uống tại đây được trang trí hình ảnh cờ đỏ sao vàng.
Ngoài ra, không gian quán cũng được trang trí bằng những dãy cờ đỏ, giúp du khách như được sống trong không khí rộn ràng của đất nước.
18h: Dạo phố lồng đèn Lương Nhữ Học
Lễ Quốc khánh năm nay đúng vào thời điểm người người rộn ràng đón Tết Trung thu. Hiện tại, phố lồng đèn Lương Nhữ Học (quận 5, TPHCM) đã “lên đèn”, nhộn nhịp với nhiều hàng lồng đèn rực rỡ và người dân đổ về mua sắm, vui chơi, chụp ảnh.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, các cửa hàng tại đây bày bán lồng đèn đủ hình dáng như lồng đèn hình con thỏ, con rồng, ngôi sao… tạo nên không gian ấm áp và rực rỡ.
Đây là một trong những điểm sống ảo nổi tiếng, được nhiều người trẻ ưa chuộng hằng năm.
19h30: Vui chơi, ăn uống ở công viên bờ sông Sài Gòn
Sau khi có nhiều ảnh đẹp ở phố lồng đèn, du khách có thể tiếp tục di chuyển qua công viên bờ sông Sài Gòn (TP Thủ Đức, TPHCM) để hóng gió. Nơi đây có nhiều hàng quán, tiệm cà phê với nhiều phong cách để mọi người lựa chọn.
Ở vị trí này, du khách có thể ngắm và check-in cảnh quan trung tâm như bờ sông, tòa nhà Bitexco, bến Bạch Đằng… Sau khi chụp ảnh, du khách có thể tham gia các trò chơi ở công viên cũng như tham gia các hoạt động giải trí như tham quan bến xe bus đường thủy và ăn vặt.
21h: Ngắm pháo hoa ở công viên bờ sông Sài Gòn hoặc Đầm Sen
Lễ Quốc khánh năm nay, TPHCM tổ chức bắn pháo hoa tại 2 địa điểm gồm đầu đường hầm sông Sài Gòn (TP Thủ Đức, TPHCM) và Công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11, TPHCM).
Du khách có thể chọn các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê ở vị trí cao và nên đặt chỗ hoặc đến sớm để có được vị trí đẹp để xem pháo hoa dịp lễ này.
Quốc khánh năm nay, TPHCM bắn pháo hoa 2 điểm là đầu đường hầm sông Sài Gòn và Công viên văn hóa Đầm Sen (Ảnh: Nam Anh).
Ngoài ra, du khách cũng lưu ý để đảm bảo giao thông trong thời gian bắn pháo hoa, nhiều tuyến đường tại TPHCM sẽ bị cấm từ 19h đến 22h, gồm: Nguyễn Huệ, Lê Lợi (từ Đồng Khởi đến Pasteur), Đồng Khởi (Nguyễn Du tới Tôn Đức Thắng), Tôn Đức Thắng (Nguyễn Siêu đến Võ Văn Kiệt), Nguyễn Tất Thành (cầu Khánh Hội tới Hoàng Diệu), Hàm Nghi (Hồ Tùng Mậu tới Tôn Đức Thắng)…
Nguồn: Sưu tầm
https://diendandulich.tct.info.vn/24-gio-vi-vu-tphcm-le-2-9-nguoc-dong-lich-su-chup-anh-moi-tay-9-diem-den-14212.html
0 nhận xét:
Post a Comment