13h, một đoạn của con hẻm nhỏ trên đường Võ Văn Tần (quận 3, TPHCM) trở nên nhộn nhịp với gần chục người đứng xếp hàng trước một quán bún bò nhỏ. Chốc lát, nhân viên quán lại nói lớn: “Mời 2 khách”, “trống bàn 4 khách” hay “1 khách vào ngồi ghép giúp chị nha”…
Đây là quán bún bò Cô Như nổi danh ở TPHCM, do bà Lý Thị Kim Như (SN 1958, thường được gọi là cô Như) làm chủ, hoạt động từ năm 1995. Gần 30 năm qua, hầu như ngày nào quán cũng đông khách.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, bún bò tại đây có đa dạng lựa chọn như gân, nạm, vè, thịt bò tái, giò heo… ăn kèm rau, giá. Nước dùng của quán đậm đà, nhưng không quá khác biệt so với các quán khác ở TPHCM. Tuy nhiên, điều nổi bật và làm nên tên tuổi của quán chính là mỡ nổi.
Mỡ nổi là phần mỡ bò ngon được quán chọn lựa kỹ lưỡng, cắt thành từng viên nhỏ, làm chín mềm và nấu cùng nước dùng cho nóng giòn. Khi ăn, mỡ tan trong miệng, có viên giòn sần sật, không gây ngán.
Thời gian đầu, bà Như bán mỡ nổi ít, nhưng khách hàng ai cũng thích nên mỗi ngày bà chuẩn bị mỡ nổi nhiều hơn. Dần dà, món ăn kèm này lại trở thành thương hiệu của quán. Mỗi phần bún bò của bà Như sẽ được phục vụ kèm một chén mỡ nổi. Nếu khách muốn dùng thêm, giá một chén mỡ nổi là 2.000 đồng.
Trò chuyện với phóng viên Dân trí, bà Như cho biết bà kinh doanh bún bò từ công thức của một người bà con truyền lại. Bún bò ở quán vốn là bún bò kiểu Huế, nhưng được thay đổi theo thời gian để phù hợp với khẩu vị thực khách ở TPHCM. Thời gian đầu, mỗi tô bún bò được bà Như bán với giá 3.000-4.000 đồng.
“Buôn bán lâu năm, vật giá tăng thì bún bò tại quán cũng dần tăng giá, đến nay đã 40.000 đồng/tô rồi”, bà Như nói.
Bà cũng cho biết, dù vẫn mang tên “Cô Như” nhưng gần 7 năm qua, quán được con gái và con rể của bà điều hành. Hằng ngày, bà Như “chạy vòng ngoài” hỗ trợ các con. Tự nhận mình hiện chỉ là “nhân vật phụ” trong quán, song mỗi ngày bà Như vẫn “luôn tay luôn chân” cắt thịt để bán bởi quán lúc nào cũng tấp nập.
Bà Như nói thêm, từ khi bà còn bán chính thì quán đã đông khách, ai cũng thích mùi vị nước dùng. Sau khi được truyền nghề, con gái và con rể của bà nấu nước dùng theo công thức cũ để giữ trọn hương vị được khách ưa chuộng.
“Từ 3h sáng quán chúng tôi đã tất bật chuẩn bị nguyên liệu rồi hầm nước dùng gần 5 tiếng. Tôi cũng không biết mỗi ngày bán hết bao nhiêu ký thịt, bởi cứ vơi thì chúng tôi lại luộc thịt thêm để bán thôi”, bà nói.
Quán bún bò Cô Như hiện bán tại nhà riêng, không gian quán khá nhỏ. Gian bếp được đặt ngay cửa ra vào nên khách có thể nhìn trọn nồi nước lèo với mỡ nổi hấp dẫn.
Bên trong quán được kê không đến chục chiếc bàn, khách vào quán phải ngồi san sát nhau. Có khi phải ghép bàn ngồi ăn cùng nhưng những vị khách xa lạ vẫn rôm rả trò chuyện với nhau và bình luận về tô bún bò nóng hổi.
Anh Lê Minh Mẫn – con rể bà Như – cho biết quán mở cửa từ 11h đến 20h. Tuy nhiên, từ sau khi được Michelin Guide vinh danh ở hạng mục Michelin Selected (cơ sở ăn uống do Michelin đề xuất) hồi cuối tháng 6, quán bán nhanh hơn so với trước.
“Thay vì trước đây quán bán đến 20h, thì thời gian qua quán bán đến 18h là hết nguyên liệu. Mỗi ngày quán bán khoảng 200 tô bún bò”, anh Mẫn chia sẻ.
Vừa trò chuyện với phóng viên, anh Mẫn vừa nhanh tay chần bún qua nước sôi để sẵn vào các tô, để khi khách gọi món, anh chỉ cần cho nước dùng rồi mang ra cho khách.
Anh Hữu Nhân (quận 6, TPHCM) – khách thường dùng bún bò tại quán của bà Như – cho biết điều hấp dẫn anh đến quán chính là giá cả phải chăng cũng như món mỡ nổi thơm béo. Dù khách đông nhưng mỗi lần đến quán, anh cũng không phải đợi quá lâu, bởi quán phục vụ khách khá nhịp nhàng.
Chị Thu Hương (quận 3, TPHCM) cũng cho biết khẩu phần ăn ở quán này khiến chị hài lòng.
“Tuy mùi vị không quá đặc biệt hay mới lạ nhưng bún bò ở đây vừa miệng, món ăn kèm đa dạng, phần ăn nhiều. Mỡ nổi thơm ngon nhưng mọi người cũng nên ăn vừa phải, tránh ngấy để còn tận hưởng trọn vẹn hương vị của tô bún bò”, chị cho hay.
Nguồn: Sưu tầm
https://diendandulich.tct.info.vn/quan-bun-bo-nup-hem-o-tphcm-gan-30-nam-nuom-nuop-khach-nho-mon-mo-noi-13768.html
0 nhận xét:
Post a Comment