Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt được biết đến là nhà tù duy nhất tại Việc Nam từ trước đến nay được dùng để giam giữ những thiếu nhi yêu nước. Nơi đây hiện đã trở thành điểm tham quan du lịch có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử.
Một Nhà lao đặc biệt ở phố núi
Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt nằm trên đồi Chi Lăng, thuộc đường Hồ Xuân Hương, phường 9, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Nhà lao này đã từng giam giữ hơn 600 thiếu nhi từ 12 – 17 tuổi có tinh thần cách mạng, được tập trung từ tất cả các nhà tù ở miền Nam.
Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt.
Theo tài liệu, năm 1971, Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt được chính quyền Sài Gòn lập nên dưới sự quản lý của Nha cảnh sát Sài Gòn với tên gọi trá hình “Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt” nhằm phục vụ âm mưu chia cắt các chiến sĩ nhỏ tuổi trên dải đất duyên hải Nam Trung Bộ ra khỏi tầm ảnh hưởng của các thế hệ cha anh.
Tái hiện cảnh phòng giam.
Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt được thiết kế và xây dựng với kiến trúc tổng thể thành một khối hình chữ nhật khép kín với tường đá bao quanh kiên cố, cùng các hàng rào kẽm gai chống vược ngục, hai bên ngay phía trước cổng được dựng 2 bốt canh lúc nào cũng có lính túc trực nghiêm ngặt.
Những dụng cụ dùng để tra tấn tù nhân.
Mặt tiền nhà lao là một dãy biệt thự hình chữ A được sử dụng là nơi làm việc của bộ máy quản lý nhà lao. Bên trong biệt thự này là 2 dãy nhà song song với 8 phòng giam tập thể có diện tích khoảng 50m2 mỗi phòng, vào những lúc cao điểm mỗi phòng giam giữ từ 60 – 70 tù nhân.
Ngoài các phòng giam tập thể trên, còn có 3 dãy xà lim, mỗi dãy có 4 phòng giam với diện tích mỗi phòng chỉ 2m2. Dưới mỗi căn phòng này đều được trang bị hệ thống phun nước làm lạnh nhằm phục vụ mục đích tra tấn các chiến sĩ trẻ tuổi có tư tưởng chống đối.
Khách du lịch tham quan tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt.
Đặc biệt, một hầm đá được xây dựng khuất sau hành lang của xà lim phía Tây, hầm này không có mái che, bên trên giăng dày đặc dây kẽm gai, là nơi giam giữ những tù nhân bị cho là “cầm đầu”, “ngoan cố”.
Một không gian chính giữa ngăn cách các dãy nhà giam là khoảng sân rộng tầm 500m2 được sử dụng để tập trung tù nhân ra chào cờ hàng tuần.
Bộ máy quản lý nhà lao được chọn lọc kỹ lưỡng từ đội ngũ đã qua đào tạo và có kinh nghiệm làm giám thị, trật tự ở nhiều nhà lao thời bấy giờ. Mặc dù là tù nhân nhỏ tuổi nhưng các thiếu nhi ở đây thường xuyên bị hành hạ, đánh đập, tra tấn dã man bằng các hình thức như còng tréo, treo ngược lên xà nhà, bị đánh bằng roi điện, dây kẽm gai, gậy hướng đạo, dùng bóng điện công suất lớn dí vào mặt, đặc biệt là hình thức tra tấn bằng cách dội nước lạnh giữa đêm hoặc “phơi sương” trong hầm đá…
Những kỷ vật một thời lao tù.
Một sự kiện gây chấn động tại nhà lao thiếu nhi Đà Lạt vào đêm ngày 23/1/1973 các tù nhân thiếu nhi tổ chức tiêu diệt tên cai ngục Nguyễn Cương, kẻ cam tâm làm tay sai cho giặc. Đồng thời, có 7 lần vượt ngục, những người thoát được ra ngoài được đưa về các đơn vị khác nhau tiếp tục hoạt động các mạng.
Vào ngày 22/2/1973, khi giám thị nhà lao đưa tù nhân ra sân chào chờ, cuộc nổi dậy đã bắt đầu diễn ra. Sau hơn 10 giờ đấu tranh quyết liệt, các tù nhân đã kiểm soát toàn bộ nhà lao và buộc chúng phải ngồi vào bàn thương lượng và chấp nhận nhiều yêu sách có lợi cho tù nhân.
Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của các tù nhân thiếu nhi tại đây cùng với sự lên án mạnh mẽ của công luận trong nước và quốc tế, đến tháng 6/1973, Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt chính thức bị xóa sổ.
Một số tù nhân thiếu nhi được trao trả tự do, số khác bị chuyển về giam giữ tại các nhà tù địa phương. Riêng về nhà lao này được chuyển giao cho Bộ Xã hội tổ chức thành “Trung tâm bảo trợ thiếu nhi”, do Ty Xã hội tỉnh Tuyên Đức quản lý.
Trở thành điểm tham quan du lịch
Sau ngày thống nhất Tổ quốc năm 1975, các cựu tù nhà lao thiếu nhi Đà Lạt tản mạn về các địa phương, tiếp tục phát huy truyền thống đấu tranh bất khuất trong lao tù, tích cực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt thu hút nhiều đoàn khách đến tìm hiểu.
Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, năm 2009, tập thể cựu tù Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt đã được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Tập thể Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Cũng trong năm 2009, Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt đã được nhà nước công nhận Di tích quốc gia và giao cho Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng quản lý. Sau quá trình trùng tu và tôn tạo Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6/2016.
Ngày nay nơi đây đã trở thành một “địa chỉ đỏ” giáo dục tư tưởng chính trị cho thế hệ trẻ nhất là tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, ý thức trách nhiệm bảo vệ quê hương, đất nước.
Di tích Nhà lao còn là nơi học tập, sinh hoạt chính trị.
Bên cạnh đó, Di tích là nơi học tập, sinh hoạt chính trị, về nguồn,… điểm đến tham quan du lịch văn hóa, lịch sử mỗi khi du khách đặt chân đến thành phố ngàn hoa. Hiện nay, mỗi năm địa điểm này đón rất nhiều đoàn khách đến để tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu.
Năm học 2024 – 2025, Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt chính thức được đưa vào “Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng – Lớp 4” chủ đề 4.
Các cựu tù thiếu nhi về thăm Di tích, gặp lại hình ảnh của mình ngày xưa. Ảnh: Quỳnh Uyển.
Chủ đề về Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt trong tài liệu còn cung cấp 10 hình ảnh và 2 nội dung liên quan đến di tích, giúp học sinh tìm hiểu về “Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt – Địa chỉ đỏ trên thành phố hoa” và một số hoạt động ý nghĩa, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước của học sinh tỉnh Lâm Đồng.
Nguồn: Sưu tầm
https://diendandulich.tct.info.vn/ghe-tham-di-tich-quoc-gia-nha-lao-thieu-nhi-tai-da-lat-13951.html
0 nhận xét:
Post a Comment