Sau thời gian làm việc mệt mỏi, ngồi nhiều giờ trong phòng máy lạnh, nhiều người tìm kiếm những chuyến du lịch trải nghiệm kết hợp vận động với mong muốn hít thở không khí trong lành, cải thiện sức khỏe, thể lực.
Tuy nhiên, nếu chỉ rảnh vào dịp cuối tuần và chưa có nhiều thời gian tập luyện để tham gia các chuyến trekking (du lịch khám phá theo hình thức đi bộ đường dài), bạn có thể tham khảo một số điểm đến gần TPHCM.
3 địa điểm sau đây sẽ đáp ứng được nhu cầu vận động, nhưng tuyến đường không quá khó khăn hay đòi hỏi cao về thể lực, sẽ là sự lựa chọn phù hợp cho bạn.
Núi Ma Thiên Lãnh – Hòn Sơn (Kiên Giang)
Nếu muốn leo núi nhưng lo ngại quãng đường vất vả, du khách có thể chọn đến Hòn Sơn để chinh phục đỉnh Ma Thiên Lãnh – một trong 7 ngọn núi trên hòn đảo này.
Bắt đầu từ chân núi, du khách có thể di chuyển bằng bậc thang hoặc đường xi măng. Đây là con đường người dân địa phương thường đi lại để lên rẫy, được xem là khởi đầu dễ dàng cho những người mới bắt đầu leo núi.
Trên đường đi, du khách có thể thong thả ngắm cảnh, tận hưởng khí trời và ghé thăm chùa Phật Lộ Thiên. Khi viếng chùa, du khách có thể tận dụng thời gian này để nghỉ ngơi.
Sau khi đi hết 1/3 đường lên đỉnh núi, du khách sẽ bước vào đường mòn. Từ đây, đoạn đường khá quanh co, gập ghềnh hơn và có một hang đá phải vượt qua, song cũng không quá gian nan.
Sau khi qua khỏi hang đá, di chuyển thêm khoảng 15-20 phút sẽ đến được đỉnh núi, du khách cũng có thể ghé qua Sân Tiên – một khoảng trống với nhiều tảng đá lớn, có thể nhìn bao quát mây trời và biển xanh để chụp ảnh.
Một trong những điều khiến du khách ưa chuộng khi khám phá Ma Thiên Lãnh chính là cung đường này nhẹ nhàng, không đòi hỏi quá nhiều về thể lực. Đặc biệt, đường lên núi có nhiều hàng quán, phục vụ du khách những món ăn đặc sản như gà nướng, gà hấp muối sả…
Núi Bà Đen (Tây Ninh)
Núi Bà Đen cao 986m, nằm cách TPHCM khoảng 2 giờ đi xe ô tô, là nơi du khách có thể kết hợp du lịch và cầu nguyện những điều tốt đẹp cho gia đình.
Ngoài đường cáp treo và đường lên chùa, các đường khác lên đỉnh núi như đường cột điện, đường ống nước… với các cấp độ khó khác nhau, có thể đáp ứng những nhu cầu khác nhau của du khách trong việc thử thách bản thân, trải nghiệm cảm giác chinh phục đỉnh núi.
Đường cột điện là đường có độ khó vừa phải, được đánh giá phù hợp với những người chưa có nhiều kinh nghiệm du lịch thám hiểm, trekking. Đường leo núi này sẽ có đoạn đi theo đường mòn, có đoạn đi theo bậc thang và cũng có những đoạn du khách phải băng qua rừng.
Dù được xem là tuyến đường đơn giản, song nếu lần đầu trải nghiệm lên núi Bà Đen bằng đường cột điện, bạn nên đi theo nhóm để đảm bảo sự an toàn, tránh sự cố hay tai nạn bất ngờ.
Bên cạnh đó, trước khi chinh phục núi Bà Đen bằng đường cột điện, bạn nên tìm hiểu kỹ đoạn đường này. Đây là đường lên núi bằng cách đi theo cột điện, không có quán nước hay trạm dừng, nên du khách nên chuẩn bị đầy đủ nước uống.
Trung bình, với một người có sức khỏe ổn định, thời gian chinh phục núi Bà Đen là khoảng 3 tiếng. Sau khi trải nghiệm hoạt động leo núi, bạn cũng có thể chọn di chuyển xuống núi bằng cáp treo nếu như đã thấm mệt.
Vườn quốc gia Cát Tiên
Vườn quốc gia Cát Tiên là khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên địa bàn 5 huyện: Tân Phú, Vĩnh Cửu (Đồng Nai), Cát Tiên, Bảo Lâm (Lâm Đồng) và Bù Đăng (Bình Phước), cách TPHCM 150km về phía Bắc.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vé vào cổng Vườn quốc gia Cát Tiên là 60.000 đồng/người, chi phí thuê xe đạp dao động khoảng 100.000-150.000 đồng/chiếc. Du khách có thể tự chuẩn bị thức ăn, nước uống để tiết kiệm cho hành trình xuyên rừng.
Bạn có thể chọn khám phá Vườn quốc gia Cát Tiên bằng cách đi bộ hoặc đi xe đạp, đi trong ngày hoặc lưu lại đây 2 ngày 1 đêm. Trong quá trình di chuyển xuyên rừng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng thảm thực vật phong phú, đa dạng, đồng thời hít thở không khí trong lành dưới những tán cây xanh mát.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Nguyễn Công Hậu (SN 1995, quận 3) cho biết do làm nhân viên thiết kế, nên mỗi tuần anh chỉ được nghỉ buổi chiều thứ 7 và cả ngày chủ nhật. Vì vậy, anh chọn Vườn quốc gia Cát Tiên để “thư giãn gân cốt”.
“Tôi di chuyển xuyên rừng bằng xe đạp, thăm thú, khám phá sự đa dạng của thảm thực vật và các loài động vật sinh sống trong rừng. Tuy cũng có chút mệt nhưng không đáng kể, rất phù hợp với những người chưa có thời gian rèn luyện sức khỏe từ trước. Thêm nữa, nơi đây gần TPHCM, thuận tiện cho việc đi lại”, anh Hậu nói.
Nguồn: Sưu tầm
https://diendandulich.tct.info.vn/3-diem-chua-lanh-gan-tphcm-cho-nguoi-yeu-thien-nhien-thich-van-dong-13189.html
0 nhận xét:
Post a Comment