Tăng cường tour đường bộ và đường sắt, giảm chi phí để thu hút du khách
Hè năm nay rơi vào thời điểm vé máy bay tăng giá, du khách Việt có xu hướng du lịch bằng tàu hỏa, ô tô, xe khách… để tiết kiệm chi phí. Nắm bắt tâm lý này, các đơn vị du lịch lữ hành đã bắt tay xây dựng nhiều sản phẩm du lịch, tour tuyến mới nhằm phục vụ nhu cầu du khách.
Trong đó, đơn vị lữ hành Vietravel đã tiến hành khai thác các tuyến đường bộ nội địa tận dụng lợi thế cao tốc. Ngoài ra, đơn vị này còn xây dựng các tour đường tàu hỏa hoặc tour kết hợp chiều đi là tàu hỏa, chiều về bằng máy bay để tiết kiệm chi phí, như: tour Hà Nội – Huế – Đà Nẵng; tour TPHCM – Phan Thiết/Mũi Né, Nha Trang – Mũi né…
Một số đơn vị lữ hành cũng cho biết, bên cạnh việc vé máy bay tăng cao, kinh tế suy giảm cũng là một trong những lý do khiến du khách có phần e dè, kỹ lưỡng trong việc chọn tour du lịch ở thời điểm hiện tại.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương – Chủ tịch HĐQT đơn vị lữ hành Golden Smile Travel – cho biết ở hiện tại, các tour mùa hè vẫn chưa ổn định. Nhiều du khách đang chuộng du lịch tự túc, chuộng đi xe máy để tiết kiệm trong giai đoạn phải “thắt lưng buộc bụng”.
“Vậy nên chúng tôi cũng “làm mới” mình, bên cạnh tận dụng đường sắt, đường bộ để thay thế máy bay, chúng tôi còn có phương án bóc tách các hạng mục du lịch mà khách hàng có thể tự chủ động được, nhằm giảm giá của tour”, ông Phương chia sẻ.
Chủ tịch HĐQT đơn vị lữ hành Golden Smile Travel nêu ví dụ, đối với tour TPHCM – Phan Thiết, do đoạn đường ngắn, đơn vị sẽ cắt giảm phần ăn sáng. Ngoài ra, tour cũng sẽ lượt bỏ một số điểm tham quan dễ đi, để du khách tự túc, nhờ đó có thể giảm đến 25% giá tour.
Thậm chí, đơn vị này còn chấp nhận giảm từ 5-7% lợi nhuận để hạ giá tour, thu hút du khách dịp hè này. “Không phải khách không muốn đi du lịch, mà khách muốn tìm kiếm tour giá cả hợp lý, đơn vị phải tìm cách đáp ứng nhu cầu này”, ông Phương nêu quan điểm.
Đường bộ, đường sắt khó lòng thay thế đường bay?
Dẫu tìm nhiều giải pháp, xây dựng các tour tuyến mới để hấp dẫn du lịch dịp hè này, song đại diện đơn vị lữ hành Golden Smile Travel cũng thừa nhận, việc vé máy bay tăng gây ảnh hưởng nặng nề đối với du lịch nội địa.
“Tour Đà Nẵng, Hà Nội điểm xuất phát là TPHCM giảm, bởi phương tiện chủ yếu của các tuyến này là máy bay. Đó là tín hiệu đáng buồn cho ngành du lịch”, ông Phương nói.
Tương tự, ông Phạm Anh Vũ – đại diện Công ty Cổ phần Truyền thông Du lịch Việt – cũng cho rằng đẩy mạnh tour đường bộ, đường sắt chỉ là phương án tạm thời cho ngành du lịch trong thời điểm giá vé máy bay tăng.
“Đường bộ, đường sắt không thể thay thế cho đường bay trong du lịch. Đường bay bị hạn chế xem như mất hẳn tuyến quốc tế, các tuyến nội địa dài như TPHCM – Hà Nội, TPHCM – Tây Bắc, Hà Nội – Phú Quốc, Hà Nội – Tây Nguyên. Như vậy, số lượng khách sẽ giảm nghiêm trọng.
Ở vị trí đơn vị du lịch lữ hành, tôi không dám tưởng tượng đến chuyện ngành du lịch không có đường bay”, ông Vũ nói.
Đại diện Du lịch Việt cũng bày tỏ mong muốn rằng ngành hàng không và ngành du lịch sớm có tiếng nói chung, giải quyết vấn đề về giá vé máy bay.
Chị Ngọc Ngân (SN 1999, Tân Bình) – một du khách vừa trở về từ chuyến du lịch Quy Nhơn (Bình Định) – cho biết, không thể phủ nhận những mặt tích cực của việc di chuyển bằng tàu hỏa. Tuy nhiên, phương tiện này phù hợp với những người có nhiều thời gian, thích có những trải nghiệm mới mẻ cho chuyến đi. Với bản thân chị Ngân, đi du lịch bằng tàu hỏa khiến chị cảm thấy khá mệt mỏi.
“Từ TPHCM đến Quy Nhơn, nếu đi máy bay chỉ mất hơn 1 tiếng. Song, do chi phí có phần chênh lệch, nên tôi đã “bấm bụng” đi tàu hỏa với giá chưa đến 1 triệu đồng, mất hơn 15 tiếng. Đúng là tôi đã tiết kiệm được khoảng hơn 50% chi phí di chuyển, nhưng tôi như mất đi năng lượng vui chơi do phải ngồi xe quá lâu”, chị Ngân cho biết.
Nguồn: Sưu tầm
https://diendandulich.tct.info.vn/ve-may-bay-tang-cao-du-lich-gap-kho-neu-chi-song-nho-duong-bo-duong-sat-12744.html
0 nhận xét:
Post a Comment