Tôi đọc ở đâu đó: “Lương thiện nên đi cùng lý trí”, “Nếu lý trí không tồn tại thì lòng tốt là vô nghĩa” và nếu cộng với sự nhiệt tình và hội chứng đám đông thì nhiều khi hậu quả không lường.
Trong video clip lan truyền trên mạng xã hội vừa qua, một người bán hàng rong Việt Nam bị hai bạn Tây xỉa xói vào mặt, hất đổ sạp hàng, bị ba vạn chín nghìn đồng hương mắng xối xả, để thể hiện lòng lòng tốt với hai chị Tây, hàng vạn tài khoản mạng xã hội, “các nhà đạo đức mạng” chửi không thương tiếc, chửi chị đã làm xấu hình ảnh Việt Nam, đất nước Việt Nam.
Tôi hỏi chuyện một bạn tại sao làm thế ? Cô bảo em tiếc cho 500 nghìn của hai cô Tây. Hai cô ấy nghèo, 500 nghìn đồng các cô Tây có thể sống được cả chục ngày. “Thế còn người bán hàng rong Việt Nam thì sao? Cô ta cũng là phụ nữ, và em có biết sự thực không ? Em có dùng lý trí và logic không? ” tôi hỏi “Lý trí và logic của em là phụ nữ và nó rất khác với đàn ông” cô trả lời.
Theo như clip, người bảo vệ ra can thiệp có hỏi người bán hàng rong giá bán quả dứa là 50 nghìn đồng. Người bảo vệ bảo sao lại bán quả dứa 50 nghìn đồng, bán đắt, trả lại cho người ta. Người bán hàng rong trả lại 500 nghìn đồng, nhưng đòi lại tiền 450 nghìn đồng đã trả lại và cô Tây thứ hai trả lại tiền. Cô Tây hất đổ sạp nhận lại 500 nghìn đồng và soi xem tiền thật hay giả. Tôi là người Việt đi chợ ở Việt Nam từ bé đến lớn chắc chắn bị mua đắt nhiều lần vì đàn ông không biết mặc cả.
Vụ khách nước ngoài tố bị “chém” 500.000 đồng cho 3 quả dứa ở phố cổ Hà Nội. Ảnh: Chụp từ clip.
Chuyện mua bán nói thách,”chăn gà”, “khách sộp”, “vớ được thằng Tây” không phải chỉ có ở Việt Nam mà phổ biến khắp thế giới. Không chỉ trên mạng ngay cả ngoài đời tôi gặp khá nhiều người Việt cảm thấy “nhục” khi Tây phải trả đắt hơn ta.
Nhiều người bình luận “quả dứa bán ngoài chợ 10 nghìn là cùng, bà kia gọt vỏ mà bán cho người ta 50 nghìn là quá đắt”. Đó chính là tư duy bán thô. Việc gọt vỏ, bỏ vô bao, sạch sẽ, nếu thêm muối ớt chính là dịch vụ giá trị gia tăng.
Thế giới tư bản làm giầu chính bằng giá trị gia tăng đó đấy. Một miếng thịt bò giá ngoài chợ có thể $ 20 nhưng nếu con bò đó được nghe nhạc Mozart, được massage tẩm quất, rồi rơi được ông thánh rắc muối xoa xoa cắt cắt là thành cả nghìn đô. Có ai phản đối không? Sự chênh lệch ở đây gấp cả nghìn lần quả dứa.
Người Nhật nổi tiếng về làm dịch vụ và giá trị thặng dư, 10 loại hoa quả đắt nhất thế giới có đến bảy quả là của Nhật. Dưa lưới Yubari King có giá $ 45,600/cặp. Một tỉ hai trăm triệu đồng cho hai quả dưa nhưng không có ai nói chặt chém.
Tại nhiều điểm tham quan ở nước ngoài, vé cho người ngoại quốc là $ 20, vé cho người bản xứ là $ 2, thậm chí miễn phí. Du học sinh Việt Nam sang Mỹ học, tiền học 4 năm hết vài trăm nghìn, người ở tiểu bang đó mất vài nghìn tiền học/năm. Các thuật ngữ chỉ người nước ngoài đồng nghĩa với “khách sộp”, “gà”, đồng nghĩa với có thể bị chăn có ở nhiều ngôn ngữ trên thế giới.
Nếu đi các nước Nam Mỹ mà nghe thấy nói “Gringo” (với đàn ông), “Gringa” (với phụ nữ), đi Colombia mà nghe “Guiri”, hay sang Nigeria, châu Phi mà nghe “Oyibo” thì nên hiểu mình đang là “gà”. và có thể đang bị “chăn”.
Nếu nhìn nhận công bằng người dân mỗi nước đều phải đóng thuế cho chính phủ của mình vì vậy họ xứng đáng được hưởng một số chế độ ưu tiên, còn người nước ngoài không đóng thuế có thể phải chịu chi phí cao hơn. Điều đó hoàn toàn công bằng.
Về việc mua bán khi đi du lịch, trong các cẩm nang của Lonely Planet hay DK Travel, phần tip hướng dẫn mua bán gần như không đổi với nhiều quốc gia trên thế giới “Mặc cả hay ngã giá là một nét văn hoá địa phương”.
Tốt nhất là chuẩn bị đô lẻ hoặc tiền địa phương mệnh giá nhỏ, rồi giơ ra hỏi người bán đồng ý thì mua còn không thì thôi chứ đâu cần ăn thua. Đi du lịch để lấy vui, mua trải nghiệm chứ đâu phải để đứng chửi nhau với dân địa phương ngoài đường? Phần lớn người bán hàng rong ở mọi nơi đều dân trí thấp, mưu lợi thấp, thấy vui thì mua còn thấy rủi ro nên tránh.
Con tôi khi đưa bạn gái đi du lịch thế giới cũng phải trả giá để học hỏi kinh nghiệm. Ngay tại quê nhà, về đến sân bay Nội Bài mất 500 nghìn tiền taxi về nhà. Tôi biết trước điều đó sẽ xảy ra nhưng không nói và thậm chí còn dặn gia đình không nói để kệ cháu tự thân vận động và cũng không cho xe đi đón. Sau khi về đến nhà, mất tiền rồi tôi mới cho cháu biết giá.
Bây giờ bạn ấy đã biết và chỉ mất 200 nghìn đồng cho chiều đi khi bay đi chơi các nơi. Cuộc đời đôi lúc mất học phí và trải nghiệm thực tế sẽ tốt hơn, học nhanh hơn lời dặn dò của cha mẹ, hay lý thuyết học đường.
Người phụ nữ bán hàng rong trong clip vừa rồi mỗi ngày cả đi cả về gần 100 km từ huyện Phúc Thọ sang Hà Nội và đẩy gánh hàng rong khắp thủ đô. Hai bạn Tây kia muốn đi du lịch là phải mua vé máy bay, phải có tiền ăn ở và chi tiêu trong suốt thời gian du lịch và không cần đi làm. Sau khi xỉa xói vào mặt người bán hàng rong và gạt đổ sạp hàng, hai cô bỏ đi là xong.
Cô bán hàng rong sau đó còn bị mời lên phường, bị cả cộng đồng mạng hiếp dâm ba đời. Kể cả xét theo tư duy phổ cập không cần lý trí và logic cứ đứa nào nghèo hơn thì bênh. Trong trường hợp này ai đáng thương hơn.
Về hình ảnh đất nước, nhiều bạn cũng không cần phải quá “tự nhục” đâu. Tất cả những thứ dưới đây là sự thực có kiểm chứng. Châu Âu, cái nôi của nền văn minh thế giới hiện tại mà nhiều người Việt đang học theo.
Giữa Paris, London, Berlin, Milan, ngoại trừ mua bán ở trong các siêu thị có giá niêm yết, còn mua đồ lưu niệm hay hàng rong cũng phải trả giá hết và nếu không cẩn thận thì đồng tiền nhận lại là tiền giả hoặc của những nước Đông Âu có giá trị thấp. Các tệ nạn, móc túi rất phổ biến, trộm cắp như rươi. Xe ô tô bị đập kính lấy toàn bộ vali hành lý xảy ra thường xuyên.
Cảnh sát các nước châu Âu thậm chí post thẳng lên trang mạng khuyến cáo là các bạn phải tự có ý thức bảo vệ tài sản vì họ có quá nhiều vụ trình báo mất cắp và quá tải không giải quyết nổi. Tất cả các bến tàu điện ngầm, nhà ga, khu mua sắm rất nhiều lưu manh, dân hai ngón.
Dân du lịch trông lớ ngớ là trở thành mục tiêu. Ở các địa điểm du lịch châu Âu, có nhiều bé trai gái tóc vàng mắt xanh trông rất đáng yêu, có thể bán bưu thiếp, đồ lưu niệm hoặc thậm chí ngửa tay xin tiền, hoặc xin chụp ảnh cùng. Chỉ cần du khách sơ sểnh là mất đồ ngay.
Tôi không ủng hộ việc “chặt chém” du khách và luôn tôn vinh “lòng tốt”, “sự trắc ẩn”. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên suy xét cẩn thận trước khi hùa theo đám đông.
Nguồn: Sưu tầm
https://diendandulich.tct.info.vn/long-tot-va-dao-duc-mang-thoi-tik-tok-12493.html
0 nhận xét:
Post a Comment