Tiếp nối thành công của lần tổ chức đầu tiên vào năm 2023, Lễ hội Sông nước TPHCM lần 2 năm 2024 được khai mạc với chương trình biểu diễn nghệ thuật quy mô lớn mang tên “Chuyến tàu huyền thoại” tại Cảng Sài Gòn (Ảnh: Nam Anh).
Phát biểu khai mạc, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TPHCM – cho rằng Lễ hội Sông nước TPHCM lần 2 năm 2024 mang sứ mệnh tôn vinh vẻ đẹp và giá trị của những dòng sông di sản, đồng thời lan tỏa tình yêu, niềm tự hào của người dân đối với thành phố thông qua các hoạt động đa dạng, đặc sắc kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại (Ảnh: Nam Anh).
Đúng 20h, chương trình nghệ thuật “Chuyến tàu huyền thoại” chính thức diễn ra. Đây là vở đại nhạc kịch ngoài trời lần đầu tiên được tổ chức trên sông Sài Gòn, quy tụ hơn 1.000 diễn viên chuyên nghiệp và diễn viên quần chúng trình diễn (Ảnh: Nam Anh).
“Chuyến tàu huyền thoại” gồm 5 chương: Hạ thủy – Cập bến – Ra khơi – Dậy sóng – Vươn xa, kể câu chuyện về những chuyến tàu đặc biệt từng đến và đi trên dòng sông Sài Gòn, gắn với những dấu mốc quan trọng của non sông và đã đi vào lịch sử (Ảnh: Nam Anh).
Gần 2 tiếng đồng hồ với những khoảnh khắc cao trào, những đại cảnh quy mô cùng âm thanh ánh sáng được đầu tư kỹ lưỡng, “Chuyến tàu huyền thoại” đã tái hiện câu chuyện người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời quê hương trên con tàu Amiral Latouche-Tréville vào ngày 5/6/1911 tại Cảng Nhà Rồng, quyết chí ra đi tìm đường cứu nước (Ảnh: Nam Anh).
Không chỉ vậy, đại nhạc kịch còn khắc họa hình ảnh nơi những hải thuyền đầu tiên của người Việt được hạ thủy, những chuyến tàu lịch sử ra khơi trên dòng sông Sài Gòn mang theo bao giấc mơ, khát vọng của người Việt Nam hay những trận đánh oai hùng, vang dội của dân tộc trên sông (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
“Chuyến tàu huyền thoại” sử dụng nhiều loại hình biểu diễn như múa đương đại, jazz, hip hop, ballet… để chuyển tải nội dung. Đây là vở đại nhạc kịch kết hợp yếu tố lịch sử, giải trí để truyền tải những thông điệp ý nghĩa từ câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc.
Không chỉ vậy, chương trình còn ứng dụng kỹ xảo điện ảnh vào dàn dựng sân khấu, với không gian biểu diễn và cảnh trí được thay đổi liên tục tạo sự bất ngờ cho người xem (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Chương trình còn có tiết mục trình diễn sử dụng thủ ngữ (ngôn ngữ của người kiếm thính) của 100 thiếu nhi (Ảnh: Nam Anh).
Dưới khán đài, 9.000 khán giả chăm chú theo dõi chương trình (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Theo bà Lê Hải Yến – Tổng đạo diễn chương trình, để có được chương trình quy mô, chỉn chu và giàu cảm xúc, hơn 1.000 diễn viên múa chuyên nghiệp và các diễn viên quần chúng đã tập luyện “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” trong nhiều tháng (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Đây cũng là lần đầu tiên Lễ hội Sông nước TPHCM tổ chức bắn pháo hoa nghệ thuật tại 3 điểm là khu vực bờ sông Sài Gòn (TP Thủ Đức), khu vực cầu cảng Ba Son (quận 1) và khu vực công viên bờ sông Landmark 81 (quận Bình Thạnh) (Ảnh: Hữu Khoa).
Công nghệ trình chiếu 3D mapping, màn hình nước, sân khấu chuyển động trên nước, trình diễn drone, bắn pháo hoa… đã mang đến một chương trình nghệ thuật mãn nhãn, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả, du khách đến tham dự khai mạc Lễ hội Sông nước TPHCM năm 2024 (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Nguồn: Sưu tầm
https://diendandulich.tct.info.vn/hoanh-trang-dem-dien-chuyen-tau-huyen-thoai-mo-man-le-hoi-song-nuoc-tphcm-12840.html
0 nhận xét:
Post a Comment