Đoàn khách Pháp bị Kon Tum từ chối cho vào địa phương, buộc phải quay về Đăk Lăk dù không ai có biểu hiện nghi ngờ bị bệnh.
Đoàn 18 du khách Pháp nhập cảnh vào Việt Nam hôm 8/3. Đến nay, cả đoàn đều khoẻ mạnh, không ai có biểu hiện ho, sốt.
"Đoàn rời khách sạn ở Pleiku, Gia Lai để đến Kon Tum theo chương trình. Nhưng vừa di chuyển khoảng 5 phút thì hướng dẫn viên nhận được điện thoại từ cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum thông báo ‘không được đi tiếp’. Nếu đến Kon Tum, cả đoàn có thể bị cách ly, không được ở khách sạn", đại diện công ty Images Travel có trụ sở ở TP HCM, đơn vị chuyên đón khách nước ngoài vào Việt Nam, kể về sự cố sáng 16/3.
Nhận thông báo từ chính quyền địa phương, hướng dẫn viên buộc phải đưa khách quay trở lại khách sạn Đam San ở Buôn Mê Thuột, Đăk Lăk, nơi khách lưu trú tối 14/3 để nghỉ đêm. Ban đầu khách sạn không nhận nhưng đơn vị lữ hành đã thuyết phục. Từ Gia Lai, đoàn đi hơn 160 km để quay lại Đăk Lăk, buộc phải hủy các chặng tiếp theo.
Đoàn khách Pháp đang ngồi trên xe di chuyển về Đăk Lăk sau khi bị Kon Tum từ chối ngày 16/3. Sau khi khám phá miền Tây, đoàn tiếp tục hành trình TP HCM - Buôn Mê Thuột - Pleiku - Hội An... Theo lịch trình ban đầu, đoàn sẽ đến Kon Tum, đi vào các buôn làng tham quan, tìm hiểu văn hóa địa phương và nghỉ đêm trong thành phố. Ảnh: Chu Mạnh Quỳnh. |
"Bây giờ cứ tỉnh nào cấm là phải đi tìm chỗ ngủ ở tỉnh bên cạnh. Nếu không nơi nào chấp nhận, chúng tôi phải quay về TP HCM. Chúng tôi có thể tạm thời cho đoàn tiếp tục tham quan một số điểm chưa đóng cửa, trong khi chờ đối tác Pháp đổi được vé về sớm cho khách", đại diện công ty nói.
Ông cho biết thêm, đây không phải là trường hợp đầu tiên khách của công ty bị từ chối chỗ ở. Cách đây vài ngày, một đoàn khách Pháp khác đã phải đổi lịch trình, về TP HCM ngủ vì các khách sạn ở Châu Đốc (An Giang) không cho nhận phòng.
Đại diện Hiệp hội Du lịch Kon Tum cho biết, không có văn bản nào về việc ngừng đón khách. Hiệp hội cũng chưa nắm được sự việc xảy ra với đoàn du khách Pháp trên. Tuy nhiên, trên quan điểm thực hiện đúng chỉ đạo về phòng chống nCoV, các đoàn khách đến Kon Tum sẽ phải thực hiện khai báo y tế. Nếu đảm bảo sức khỏe theo quy định, khách vẫn lưu trú và tham quan bình thường.
Trước đó, mạng xã hội bức xúc vì một du khách châu Âu đến 6 khách sạn tại Ninh Bình nhưng đều bị từ chối. Người này sau đó đã tìm được khách sạn khi cơ quan chức năng địa phương vào cuộc.
"Chúng tôi mới đến Hà Nội từ Áo hai ngày trước, và thực sự không chắc có nên ở lại Việt Nam hay không. Chúng tôi muốn đến Ninh Bình hôm nay nhưng hầu hết xe buýt không chấp nhận người nước ngoài và tất cả các địa điểm du lịch đều đóng cửa. Vì vậy, không biết chúng tôi có nên đi đến một số bãi biển và cố gắng thư giãn một chút ở đó, nếu chủ nhà hàng, khách sạn cho vào. Hoặc chúng tôi có thể đi đến một quốc gia châu Á khác, nơi quy định ít nghiêm ngặt hơn. Thực sự chúng tôi không muốn trở về quê nhà Áo vì mọi thứ ở đó đang rất hỗn loạn. Xin hãy cho lời khuyên", Anna Marlena viết trên diễn đàn về du lịch Việt Nam cuối ngày 15/3.
Dưới bài viết của Marlena, nhiều người chia sẻ với khó khăn của cô và mong cô có thể đến một số nơi an toàn, còn nhận khách ở Việt Nam, chẳng hạn như TP HCM.
Về phản ứng không nhận khách, Tiến sĩ Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch, chia sẻ: "Tôi không quy kết những khách sạn từ chối du khách Tây là kỳ thị. Họ lo, họ có quyền lo. Họ có cơ sở để lo. Quan trọng hơn là giải quyết thế nào cho hợp tình, hợp lý. Không kỳ thị du khách Tây đang ở nước ta, mà phục vụ họ một cách an toàn, có tổ chức".
Theo ông Nam, các địa phương nên quy hoạch ngay một số khách sạn, hỗ trợ du khách các biện pháp phòng dịch tăng cường, thỏa thuận với họ về giá dịch vụ và thông báo rộng rãi trong hệ thống thông tin du lịch để hướng dẫn du khách tìm khách sạn. Những khách sạn đang phục vụ khách Tây thì tiếp tục hoạt động bình thường, nhưng cần giữ liên hệ chặt chẽ với cơ quan kiểm soát bệnh tật địa phương để được hướng dẫn và hỗ trợ khi cần.
Du khách nước ngoài đeo khẩu trang khi tham quan Bưu điện TP HCM. Ảnh: Tâm Linh. |
Cùng quan điểm, ông Phan Đình Huê, chuyên gia du lịch, cho rằng giữa hai bên nhận khách (khách sạn) và gửi khách (công ty lữ hành) nên có chữ tin với nhau. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phối hợp đứng ra xác nhận cho du khách về tình trạng sức khỏe và hành trình. Cụ thể ở đây là Sở Du lịch và Sở Y tế.
Theo ông Huê, hiện nay khách quốc tế ở Việt Nam không còn đông. Phần lớn kẹt lại vì không tìm được chuyến bay quay về. Vì thế, ngành du lịch các địa phương cần phải hỗ trợ, không nên để xảy ra tình trạng du khách không tìm được chỗ ở.
"Du khách đã vào Việt Nam từ 7 – 8 ngày, trong lúc khó khăn này, nếu chúng ta xử lý được tình huống chắc chắn họ sẽ nhớ lâu. Nếu không, sẽ trở thành câu chuyện truyền miệng khi về nước, ảnh hưởng xấu tới hình ảnh, mà Việt Nam đã mất công xúc tiến, quảng bá", ông Huê nói.
Phương án ông Huê đưa ra là các địa phương nên hỏi hệ thống khách sạn trên địa bàn nơi nào đồng ý nhận khách, xe nào có thể chở được khách... Các khách sạn cần đăng ký với Sở Du lịch về việc sẵn sàng tiếp nhận du khách trong thời điểm này, tránh để khách phải lang thang tìm chỗ ở. Dĩ nhiên, các cơ sở lưu trú phải tuân thủ quy định về phòng dịch theo chỉ dẫn của ngành y tế... Ngành du lịch cũng cần phân loại khách, xem khách nào mới tới và khách nào đã đến Việt Nam từ lâu, để các cơ sở lưu trú yên tâm tiếp nhận.
"Tôi cũng rất bất ngờ khi nhiều địa phương đóng cửa điểm tham quan và khuyến cáo cơ sở lưu trú không nhận khách quá nhanh, không cho du khách và các công ty du lịch thời gian chuẩn bị. Nhiều nơi ra quyết định chiều hôm trước và áp dụng ngay sáng hôm sau. Nhưng cũng có nơi như Quảng Bình dành 3 – 4 ngày cho khách chuẩn bị, điều này là rất cần thiết", ông Huê phát biểu.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, trong quá trình thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đã phát sinh một số địa phương có hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị công dân Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu... gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch.
"Để chấn chỉnh và khắc phục tình trạng trên, cũng như xây dựng điểm đến TP HCM ‘hấp dẫn - thân thiện - an toàn’, chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp du lịch không phân biệt đối xử và kịp thời chấn chỉnh nhân viên, hướng dẫn viên có những hành vi phân biệt, kỳ thị với người nước ngoài đến thành phố tham quan, du lịch", bà Hoa kêu gọi.
Theo bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch TP HCM, trước diễn biến phức tạp của Covid-19, các cơ sở lưu trú đã hạn chế đón khách nước ngoài. "Đó là hoạt động để đảm bảo an toàn cho nhân viên và du khách đang lưu trú tại khách sạn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng kêu gọi các doanh nghiệp không nên phân biệt, kỳ thị khách nước ngoài", bà Khánh nói.
Bà Nguyễn Thị Kim Trang, Phó Giám đốc khách sạn Viễn Đông (khách sạn 3 sao tại khu phố Tây Phạm Ngũ Lão, TP HCM) cũng khẳng định, cơ sở lưu trú của bà vẫn tiếp nhận và đón khách nước ngoài đến lưu trú. Tuy nhiên, du khách sẽ phải khai báo y tế đầy đủ theo quy định.
Đại diện một khách sạn 5 sao tại TP HCM cũng cho biết, cơ sở lưu trú này vẫn đón khách nước ngoài không đến từ vùng dịch, nhưng khách phải kê khai y tế và đo thân nhiệt theo đúng quy định của cơ quan chức năng.
Ngày 15/3, Tổng cục Du lịch hướng dẫn việc kiểm tra khai báo y tế tại cơ sở lưu trú du lịch trên toàn quốc, nhằm chủ động nắm được lịch trình của khách quốc tế tại Việt Nam, qua đó kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Theo đó, các sở quản lý du lịch địa phương cần hướng dẫn và kiểm tra việc khai báo y tế với khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam khi làm thủ tục check-in tại các cơ sở lưu trú du lịch.
Nguyễn Nam
0 nhận xét:
Post a Comment