"Tôi có thể gắng gượng được trong một tháng, nhưng sau đó...", giọng Maurizio Rossi, tài xế taxi chuyên chở du khách ở Italy, nơi Covid-19 hoành hành, lạc đi.
Sally Lockwood đáp chuyến bay từ Munich, Đức đến Rome, Italy vào 11/3. Đón nữ du khách tại sân bay là Maurizio Rossi, tài xế taxi địa phương. Rossi tóm tắt cho Lockwood tình hình Italy bằng một câu không quá 10 từ: "Mọi thứ đều không hoạt động. Ngừng hết rồi".
Rossi đeo khẩu trang và đứng đón Lockwood tại sảnh chờ sân bay. Phần lớn mọi người đeo khẩu trang và họ đều im lặng. Đặc tính nói to và thích trò chuyện sôi nổi của người Italy giờ đã biến mất. Ảnh: Newsky. |
Rossi cho biết anh bị hủy mọi chuyến đưa đón khách cho đến cuối tháng 4. Đêm 10/3, anh nhận cuộc gọi hủy nốt chuyến tháng 5 và Lockwood là cuốc đặt xe đầu tiên của anh trong 7 ngày qua.
Khi lên xe, Rossi đeo khẩu trang và găng tay, rồi xin lỗi khi phải yêu cầu nữ du khách ở hàng ghế sau ngồi cách xa nhất có thể. "Tôi sợ điều này sẽ không sớm kết thúc. Có bao nhiêu gia đình sẽ tồn tại được mà không có tiền hay không cần kiếm tiền? Chuyện này sẽ kéo dài bao lâu? Tôi có thể trụ được một tháng và sau đó tôi phải làm gì? Tôi không có tiền, việc làm", giọng Rossi buồn hẳn. Anh nói những gì chính phủ đang làm tại Italy nên được triển khai từ hai tuần trước. Người dân Italy không sợ chết, họ lo lắng về cách họ sẽ sống sót như thế nào nhiều hơn. Theo anh, lo sợ đó gần đến nỗi họ cảm giác có thể nhìn hay chạm vào.
Khi xe vào thành phố, Rossi nói với khách sẽ không mất nhiều thời gian để tới được trung tâm Rome. Điều trước đây là không thể vì luôn tắc đường. Lockwood biết người lái xe nói đúng. Trên đường đi, cô thấy rất ít xe đi lại và trung tâm thậm chí còn vắng vẻ hơn. Đi qua một con phố, Lockwood thấy mọi người đứng xếp hàng để vào một tòa nhà văn phòng. Họ đứng cách nhau 2 m. Rossi giải thích họ phải chờ từng người một vào.
Khung cảnh vắng vẻ, yên tĩnh này cũng giống như những gì Lockwood nhìn thấy trong hành trình từ Đức đến Italy. Trên máy bay, nhiều người đã di chuyển từ chỗ của mình đến những ghế trống khác, để đảm bảo họ ngồi cách nhau càng xa càng tốt. Giữa các hành khách trên chuyến bay có một cảm giác lo lắng được thể hiện rõ ràng.
Khi cô xuống sân bay quốc tế Leonardo da Vinci, không khí im lặng khác thường. Nhân viên an ninh và vệ sinh đều đeo khẩu trang. Trên bảng hướng dẫn, hơn một nửa chuyến bay bị hủy. Các thành viên của La Guardia di Finanza (Cơ quan thực thi pháp luật Italy) kiểm tra từng hành khách để hỏi họ đã bay từ đâu tới. Lockwood nói rằng cô đến từ Munich. Cách đó không xa, khoảng 25 hành khách đang đợi để lên tàu đều đứng cách xa nhau hơn 1 m theo quy tắc hiện đang được áp dụng tại các khu vực công cộng.
Nếu Rossi chỉ đang lo lắng về một tương lai bất ổn vì Covid-19, thì các tài xế ở châu Á lại ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh này. Tại Nhật Bản, một lái xe bus chuyên chở khách du lịch đã bị lây bệnh từ những du khách đến từ Trung Quốc vào tháng 1. Hướng dẫn viên có mặt trên chuyến xe cũng chung số phận. Một lái xe taxi khác người Nhật cũng dương tính với Covid-19 sau khi cô chở những người khách từ du thuyền Diamond Princess.
Tại Singapore, hai tài xế taxi truyền thống và hai tài xế công nghệ cũng dương tính trong tháng hai. Tại Đài Loan, một tài xế thường xuyên chở du khách đến từ Trung Quốc và Hong Kong, tử vong hồi đầu tháng hai vì nhiễm nCoV.
Thongsuk sinh ra và lớn lên ở đông bắc Thái Lan và gắn bó với nghề trồng lúa cho đến khi hạn hán tàn phá mùa màng. Khi đó, một người bạn từ Bangkok trở về và mang theo những câu chuyện kiếm tiền từ nghề lái taxi chở khách quốc tế. Sau đó, Thongsuk chuyển lên thủ đô lái xe chở dầu, rồi lái xe taxi. Ông và bạn lái chung một chiếc xe. Ảnh: New York Times. |
Thongsuk Thongrat, tài xế taxi 50 tuổi ở Bangkok, Thái Lan cũng gặp sự cố tương tự, khi ông chở một nữ du khách Trung Quốc vào tháng 2. Tắc đường là tình trạng thường xuyên xảy ra ở Bangkok và chuyến xe Thongsuk chở nữ du khách hôm đó không ngoại lệ. Để giết thời gian trên đường tới bệnh viện, người phụ nữ rút điện thoại đưa về phía Thongsuk, chỉ một số điểm du lịch mình muốn ghé thăm. Rồi bất ngờ, cô hắt xì, nước mũi bắn vào Thongsuk. "Khi đó tôi nghĩ, cô ấy rất xinh nhưng chả lịch sự chút nào".
Khoảng một tuần sau, người lái xe nhận kết quả dương tính với nCoV, sau đó có thêm hai đồng nghiệp của ông cũng nhiễm bệnh. May mắn sau 14 ngày điều trị cách ly tại một bệnh viện ở Bangkok, Thongsuk khỏi bệnh. Nhưng khi quay lại làm việc ông nhận ra mình đang phải đối mặt với nỗi lo mới: ế khách.
Khi đó, Trung Quốc đã ban lệnh phong tỏa, cấm công dân du lịch nước ngoài theo nhóm và 60% khách của Thongsuk đến từ quốc gia tỉ dân này. "Hầu hết khách Trung Quốc tôi từng chở rất thân thiện. Tôi thấy nhớ họ", ông nói. Thu nhập vào những ngày đông khách của Thongsuk, khi Covid-19 chưa bùng phát vào khoảng 30 USD. Hiện tại, "may mắn lắm" ông mới kiếm được một phần ba số đó mỗi ngày.
Anh Minh (Theo SkyNews, New York Times)
0 nhận xét:
Post a Comment