5 năm trước, Thuỷ Tiên không thể nghĩ mình sẽ vượt qua mọi trở ngại để trở thành một hướng dẫn viên yêu nghề như hiện tại.
Huỳnh Thị Thủy Tiên hiện là hướng dẫn viên (HDV) tại công ty Vietravel. Cô gái sinh năm 1992 bắt đầu làm công việc đưa khách đi tour từ năm 2014. Dưới đây là chia sẻ của Tiên về nghề HDV mà nhiều người cho rằng "không hợp với phụ nữ".
Thuỷ Tiên hiện là HDV chuyên đi tour nội địa. |
Tôi sinh ra ở miền Tây, hết cấp ba thì đỗ vào ngành hướng dẫn viên du lịch hệ 3 năm của một trường tại Sài Gòn. Lúc rời xa gia đình, tôi quyết tâm sẽ học hành cho đến nơi đến chốn. Nhưng đến năm 2, tôi nghĩ: "Trời ơi, cái nghề gì đâu mà đi tối ngày, nản dữ dậy ta...".
Lúc sắp nghỉ học chuyển sang bán đồ online, bạn bè cùng người thân ra sức động viên. Một năm sau đó, tôi tốt nghiệp. Nhưng ý nghĩ trên vẫn theo tôi: "Hay là mình đi học thêm một cái gì đó khác hoặc bán buôn". Lớp tôi có 35 thành viên hoàn thành chương trình, đến nay chỉ còn một mình tôi cùng 4 bạn nam nữa còn gắn bó với nghề HDV.
Khi ra trường năm 2014, tôi được nghe nhiều lời khuyên từ những người xung quanh rằng: "Coi chừng bị dê đó". Khó khăn đã ập đến ngay trong lần thứ 2 tôi đi tour, khi còn là HDV thời vụ.
Nửa đêm một ngày cuối năm, tôi cùng tài xế, phụ xe đi xe đêm từ Sài Gòn xuống Đồng Tháp đón khách rồi đi ngược lên Đà Lạt. Đoàn có nhiều khách là nam, lại nhậu nhiều khiến tôi có chút e dè khi tiếp xúc. Tôi tin rằng, nếu là nữ, bạn sẽ nhận ra ánh mắt của một người đàn ông đang ở trước mặt có bình thường hay không. Mới vô nghề, nên để "thoát thân", tôi chỉ biết bám theo các chị nữ trong đoàn.
Bản tính người miền Tây vốn thoải mái. Mỗi khi lên xe, tôi đều có gắng tìm những câu chuyện để kể cho khách, xen lẫn yếu tố hài hước. Tôi khi ấy còn "non" nên mỗi chuyện tôi kể ra đều bị các khách nam trêu chọc, thậm chí họ còn có hành động khiếm nhã khi xuống xe. Lý do là: "như câu chuyện em vừa kể".
Đó chỉ là mở đầu cho chuỗi rắc rối mà tôi gặp phải sau này. Có lúc tôi đã phải la lên vì quá sợ hãi. Nhưng tôi dần nhận ra, bản thân nghĩ rằng sợ, thì mình sẽ mãi không thoát được sự sợ hãi đó.
Thời điểm đó, tôi thực sự còn nhiều thiếu sót. Nhiều trò chơi tôi tổ chức không phù hợp với khách. Ví dụ khách không thích hát, tôi lại yêu cầu họ lên cầm micro để hát. Ngày qua ngày, tôi học cách làm sao để khách tôn trọng mình hơn. Tôi biết điều chỉnh và quản lý được cảm xúc của bản thân. Tôi kể những câu chuyện ý tứ hơn. Khi nhận ra khách "có ý", tôi sẽ hạn chế tiếp xúc và giữ khoảng cách, không cười giỡn vô tư với họ. Đặc biệt, tôi luôn trấn an bản thân phải thật mạnh mẽ. Nếu có chuyện gì xảy ra, tôi vẫn còn có trưởng đoàn, các khách nữ hay lái xe, phụ xe.
Tiên (ngoài cùng bên phải) trong một lần cùng khách trải nghiệm trò chơi cảm giác mạnh. |
Một điều nữa tôi phải học là tìm cách giải quyết các vấn đề giữa khách hàng, tài xế, công ty. Là một HDV nữ, đôi khi tôi không thể thân thiết với tài xế nam. Nên khi nhờ vả họ giúp đỡ, hoặc làm thêm một điều gì đó cho khách cũng có phần trở ngại.
Sự không ổn định cũng là một nguyên nhân khiến nhiều HDV nữ bỏ nghề. Nhiều người cho rằng HDV là công việc không ổn định, "nay đây mai đó". Nhiều bạn nữ xung quanh tôi bắt đầu chọn việc khác ổn định hơn như làm văn phòng, kinh doanh tự do...
Ngoài ra, khi mới ra trường, bất kỳ HDV dù nam hay nữ cũng rất khó để xin vào làm nhân viên chính thức cho một công ty. Chúng tôi đa phần làm theo thời vụ và hợp đồng ngắn hạn. Tiền lương cao nhất vào mùa cao điểm. Đây cũng là khoảng thời gian chúng tôi làm việc cật lực nhất trong năm, sức khoẻ thường xuyên bị ảnh hưởng vì "thứ hai ở Bạc Liêu, thứ tư đã ở Sa Pa và cuối tuần ở Nha Trang". Những người cố gắng nhận nhiều tour thì phải có sức bền để chất lượng tour trước và sau không bị ảnh hưởng.
Khi bất kỳ ai hỏi về những khó khăn của nghề HDV, tôi đều không dám kể ra. Bởi nếu nói, tôi thêm một lần nữa trao cơ hội cho suy nghĩ tiêu cực lấn át. Thay vào đó, tôi sẽ nhớ lại và kể cho họ kỷ niệm vui mà tôi có được cùng những vị khách đáng yêu.
Tiên tâm sự, khi kết thúc tour mà nhận được những bức hình do khách lén chụp cô lúc trên xe đều khiến cô cảm thấy hạnh phúc. "Bức hình trên là lúc tôi dẫn một đoàn khách đi thăm miền Tây. Nhìn lại hình, dù nghiêng ngả tôi cũng cảm thấy trong lòng đầy niềm hứng khởi", Tiên nói. |
Sau nhiều năm cũng "trầy da trốc vẩy", tôi nhận ra bản thân gắn bó với nghề bởi chữ duyên và hiện yêu công việc này hơn bao giờ hết. Tôi thích cảm giác trên những chuyến xe, tôi là một thuyền trưởng. Micro trong tay là kim chỉ nam để đưa du khách đến những vùng đất mới. Với tôi, khi cố gắng hết sức, nhiều nơi mà bạn đi qua cũng như những kỷ niệm, niềm vui có được sẽ giúp bạn vượt qua tất cả.
Phong Vinh ghi
Mời độc giả theo dõi những câu chuyện nghề từ các hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm của Vietravel tại chuyên mục Tư vấn để tham khảo thêm thông tin hữu ích trên đường du lịch.
0 nhận xét:
Post a Comment