Để có bộ gan to gấp 10 lần bình thường, con vật bị ép ăn bằng ống dẫn kim loại xuống dạ dày và nuôi nhốt trong lồng chật hẹp.
Foie gras hay gan ngỗng béo là một trong những món ăn xa hoa của ẩm thực Pháp. Chúng thường được chế biến bởi những đầu bếp có tay nghề và phục vụ ở nhiều nhà hàng hảo hạng trên thế giới. Tuy nhiên, gan ngỗng béo lại vấp phải sự phản đối, thậm chí là cấm ở nhiều quốc gia vì quy trình chăn nuôi ngỗng, vịt bị đánh giá là tàn nhẫn, vô nhân đạo.
Món ăn xa xỉ của ẩm thực Pháp
Foie gras là thực phẩm đắt tiền từ Pháp, được làm từ gan vịt hoặc ngỗng vỗ béo đặc biệt. Theo Sun, sản phẩm này chủ yếu được sản xuất và tiêu thụ tại quốc gia này, chiếm hơn 75% sản lượng trên toàn thế giới. Cũng tại đây, Foie gras được công nhận là một phần di sản văn hóa và ẩm thực được bảo vệ. Một số quốc gia khác như Mỹ và Canada cũng sản xuất gan với số lượng 500.000 con vịt, ngỗng mỗi năm.
Gan béo có kết cấu mịn, màu hồng nhẹ và không bị đốm màu hay khô như gan thông thường. Ảnh: Fagua. |
Gan ngỗng béo thường có màu hồng và nặng từ 0,7 kg đến một kg. Khác với gan thông thường, sản phẩm này có vị ngậy, béo và kết cấu mịn, không có đốm màu. Các loại gan chất lượng hảo hạng thường bóng và mùi thơm. Khi chế biến gan béo, đầu bếp phải thật tinh tế, để tránh làm mất hương vị khi sử dụng nhiệt lâu. Thông thường, sản phẩm này có thể làm thành pa tê, nướng hoặc mousse để ăn với bánh mì.
Địa ngục của những con ngỗng vỗ béo
Theo đặc tính tự nhiên, các loài thủy cầm sẽ tự vỗ béo gan của chúng, để tích trữ calo trước khi di cư. Dựa vào đó, con người đã tự tạo ra món gan béo bằng phương pháp cho ăn đặc biệt đối với vịt, ngỗng thuần hóa. Theo một số ghi chép, món ăn này xuất phát từ người Ai Cập cổ đại.
Những con vịt, ngỗng đực sẽ được nuôi từ 3 tháng tuổi và vỗ béo đặc biệt trong khoảng 15 ngày cuối cùng. Để có những bộ gan to gấp 10 lần bình thường, các con vật bị ép ăn ngô nghiền 2 - 3 lần mỗi ngày. Những ống dẫn kim loại được đưa thẳng xuống thực quản của chúng để đảm bảo thức ăn xuống dạ dày nhanh hơn.
Những con vật có thể bị chết trong điều kiện nuôi nhốt tồi tàn. Ảnh: Farm Sanctuary. |
Việc áp dụng phương pháp cho ăn bằng vũ lực hàng ngày có thể gây ra bầm tím, thủng, viêm nhiễm thực quản, thậm chí là suy giảm chức năng gan, vỡ nội tạng và viêm phổi do bụi ngô. Những con vịt, ngỗng vỗ béo thường khó thở và gặp khó khăn trong di chuyển, đôi khi nôn ra thức ăn và khó tiêu. Cũng vì vậy, tỷ lệ tử vong của chúng cao gấp 10 đến 20 lần những con vật được cho ăn bằng phương pháp thông thường.
Ngoài ép ăn, những con vật bị nuôi trong điều kiện chật hẹp, tăm tối. Chúng sẽ không thể dang đôi cánh hay đi lại tự do cho đến lúc bị giết mổ. Bằng chứng cho thấy chúng đã hoảng loạn và sợ hãi là hành vi xé lông hoặc mổ thịt lẫn nhau.
Luật cấm gan ngỗng béo
Phương pháp sản xuất gan ngỗng béo bị cho là vượt qua quyền nuôi động vật để giết thịt. Đồng thời, nó cũng gặp phải sự phản đối của nhiều bác sĩ thú y, nhà khoa học, bao gồm tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc, Ủy ban Khoa học về Sức khỏe và phúc lợi động vật của Liên minh Châu Âu, hiệp hội Y khoa Thú y Mỹ...
Theo Sun, quốc gia đầu tiên cấm nhập khẩu foie gras là Ấn Độ vào tháng 7/2014. Các quốc gia có lệnh cấm tại chỗ và cấm sản xuất là Australia, Argetina và Israel.
Ở châu Âu, việc sản xuất gan ngỗng béo bị cấm ở một số quốc gia như Cộng hòa Czech, Đa Mạch, Đức, Italy, Luxembourg, Na Uy, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Vương quốc Anh.
Năm 2012, California ra lệnh cấm bán và phục vụ các món từ gan ngỗng béo. Tuy nhiên, điều luật này gặp phải nhiều phản đối bởi hiệp hội các nhà sản xuất ở New York và Canada.
Lan Hương (Theo Sun, Though Co)
0 nhận xét:
Post a Comment