Sáng 6/12, Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam đã lắng nghe tham luận của ông John Lindquist - Cố vấn cấp cao BCG, thành viên hội đồng cơ quan du lịch Vương quốc Anh. Theo đó, khách quốc tế đến Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng trong ba năm qua, từ 8 triệu lượt năm 2015 lên hơn 14 triệu lượt trong 11 tháng năm 2018. Tuy nhiên, con số này vẫn còn ít so với các nước trong khu vực và doanh thu từ khách quốc tế chưa cao.
Ông John Lindquist - Cố vấn cấp cao BCG - Tập đoàn tư vấn Boston. |
Năm 2017, Việt Nam thu về 8,3 tỷ USD từ khách quốc tế, nhưng số này ở Indonesia là 12,6 tỷ USD; Singapore là 18,4 tỷ USD, Thái Lan là 52,5 tỷ USD. Điều đó không chỉ do lượng khách quốc tế đến Việt Nam ít hơn các nước trong khu vực, mà còn bởi chi tiêu của khách trong mỗi chuyến đi cũng tiết kiệm hơn.
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch các nước, mỗi chuyến du lịch, khách đến Việt Nam chi tiêu trung bình khoảng 900 USD. Nhưng mức chi tiêu của khách tại Indonesia là 1.109 USD, Singapore là 1.105 USD, tại Thái Lan là 1.565 USD.
Ông John chỉ ra khách quốc tế đến Việt Nam trung bình ở lại 9,5 ngày trong khi ở Thái Lan là 9,6 ngày. Tuy số lượng ngày không chênh lệch nhiều, số tiền chi tiêu của khách đến Việt Nam chỉ là 96 USD mỗi ngày, còn ở Thái Lan là 163 USD. Mức chi của khách đến Indonesia, Singapore cũng cao hơn, lần lượt là 132 USD và 325 USD.
Sau khi so sánh các con số, Cố vấn cấp cao BCG cho rằng xây dựng các hình thức để khách du lịch chi tiêu nhiều hơn là cần thiết.
Nhiều năm qua, các chuyên gia du lịch cho rằng khách quốc tế đến Việt Nam "ít có cơ hội tiêu tiền", nhất là sản phẩm mua sắm và giải trí về đêm. Ông Vũ Thế Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng đó là bởi Việt Nam chưa có hàng hoá đặc thù, hấp dẫn du khách. Các nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan... hiện có hệ thống trung tâm thương mại rất phát triển, cả về số lượng lẫn quy mô, chất lượng hàng hoá, thu hút nhiều khách mua sắm.
Để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn, ông John Lindquist cho rằng Việt Nam cần nới lỏng chính sách visa, tăng cường kết nối giao thông, xây dựng thương hiệu quốc gia
So sánh với Nhật Bản, 10 năm gần đây, du lịch quốc gia này tăng trưởng mạnh bởi từ năm 2015, Thủ tướng Shinzo Abe chọn du lịch là lĩnh vực quan trọng để phát triển. Nhật Bản đã đưa ra nhiều chính sách như tăng công suất sân bay, nới lỏng visa, tăng ngân sách cho du lịch. Theo ông Lindquist, Việt Nam có thể đi theo hướng này.
Năm 2017, Nhật Bản thu hơn 33 tỷ USD từ khách quốc tế, với mức chi cho mỗi chuyến đi hơn 1.500 USD.
0 nhận xét:
Post a Comment