Thiền viện Đông Lai tọa lạc tại khóm Xuân Phú (huyện Tịnh Biên, An Giang) được nhớ đến với cái tên "chùa bánh xèo". Bởi mỗi ngày nơi này phục vụ hàng nghìn chiếc bánh cho khách thập phương. Đặc biệt, bánh ở đây không tính tiền nên còn gọi là "bánh xèo chùa".
Trước đây, chùa phục vụ bánh xèo chủ yếu cho Phật tử, người nghèo, người lao động trong vùng. Hiện nay, rất đông du khách biết tiếng của chùa đã đến tham quan và lưu lại thưởng thức đồ ăn.
Nơi làm bánh xèo ở phía sau chùa. Bạn đi thẳng từ bên ngoài vào, bếp này nằm bên tay trái, có bảng chỉ dẫn. Bước vào gian nhà làm bánh ám đen muội khói, bạn sẽ thấy 3 giàn bếp đất nung xếp thành hình bán nguyệt. Vào dịp cuối tuần hay lễ tết, khách đến chùa nhiều, các giàn bếp đỏ lửa hoạt động hết công suất. Mỗi người đổ 10 - 12 chảo bánh xèo cùng lúc mới kịp phục vụ.
Người đàn ông đổ bánh xèo trong chùa. Video: Phong Vinh.
Nóng bức, cay mắt và không có thù lao, nhiều người vẫn tình nguyện chuẩn bị đồ ăn ở chùa suốt bao năm. Một thanh niên làm công quả đổ bánh xèo cho biết: "Tụi tui làm ở đây để từ thiện, tích đức, khổ nhọc tí cũng không đáng gì đâu".
Thời gian bắt đầu công việc từ 5h đến 19h, khoảng một tiếng lại nghỉ tay thay người, mỗi người đổ hàng trăm chiếc bánh mỗi ngày.
"Nóng lắm, ngồi giữa một vòng lửa bao quanh mình, khói tỏa cay mắt, lơ là một chút sẽ đổ nhầm bánh, chậm là cháy, làm không khéo còn bị bỏng. Khâm phục các chú, các anh thiệt", blogger du lịch Thiết Nguyễn thốt lên sau khi thử ngồi đổ bánh bày tỏ cảm xúc.
Bánh xèo ở Thiền viện Đông Lai là đồ chay, có nhân gồm đậu xanh nguyên hạt, tàu hũ, giá đỗ, nấm mèo, củ sắn xắt sợi nhỏ. Vỏ bánh là bột gạo pha với nước dừa. Các nguyên liệu đều được mua từ tiền công đức do khách thập phương cúng dường. "Chúng tôi tuyệt đối không dùng đồ dởm vì đang làm từ thiện tích đức", một người đổ bánh cho biết.
Bánh được ăn cùng nhiều loại rau rừng mọc ở vùng Núi Cấm tạo nên mùi vị đặc sắc hơn. Rau được dân địa phương thu hoạch mang vào chùa, rửa sạch và bày sẵn ra đĩa, khách ăn tự phục vụ.
Bà Sáu (85 tuổi) ở cách chùa vài cây số thường đi xe buýt đến đây để cầu nguyện cho con cháu trong nhà. Bà cho biết thích ăn bánh xèo chay vì ngon, phù hợp khẩu vị người già.
Nhà ăn khang trang, sạch sẽ, trên bàn để sẵn nước chấm và có nước uống lạnh miễn phí.
Khách đến ăn vào bếp lấy bánh vừa đủ để không bỏ phí. Ăn xong mỗi người tự cất đĩa, dù khách đông đúc nhưng không hề xô bồ, bừa bãi.
Những chiếc bánh xèo vàng ươm, thơm mùi nước cốt dừa để lại ấn tượng trong lòng du khách thập phương.
0 nhận xét:
Post a Comment