Bánh đúc là món ăn quen thuộc với thực khách ở Sài Gòn vào những buổi xế chiều. Món ăn tùy tay người nấu mà có hương vị khác nhau.
Nằm ở mặt tiền một con đường nhỏ ở quận 10, quán bánh đúc Bà Già trở nên thu hút bởi miếng bánh không giống những chỗ khác, vị nước mắm cũng lạ miệng.
Chủ quán là cô Vân cho biết, quán mở cách đây hơn 3 năm. Toàn bộ công thức nấu nướng đều do một tay con trai của cô thực hiện. "Ba năm trước, con trai tôi được truyền nghề từ một bà cụ. Sau đó chúng tôi mở quán và lấy tên Bà Già để nhớ công dạy của bà cụ", cô Vân kể lại.
Nguyên liệu chính của món ăn đó là thịt bằm xào chung với hành tây, nấm mèo, hành phi và các loại gia vị. Cô Vân cho biết, mỗi ngày cô đều tự tay đi chợ để chuẩn bị các nguyên vật liệu rồi sau đó cùng người nhà thực hiện các công đoạn chế biến. Đánh giá về mức độ ngon của lớp thịt xào này, Nhi Hoàng (TP HCM) cho hay: "Thịt xào mềm vừa phải, ít mỡ và có mùi thơm. Hành, nấm xắt nhỏ nhưng không bị nát. Khi ăn vẫn cảm nhận được độ giòn".
Nước mắm là thứ không thể thiếu để làm nên vị ngon của món ăn. Vị nước mắm ở quán theo Cẩm Hường (TP. HCM) đánh giá là vừa miệng, hợp khẩu vị của người miền Nam. Video: Di Vỹ.
Thường ít quán dùng chả bò ăn kèm với bánh đúc. Giải thích về điều này cô Vân cho biết: "Chả bò ăn kèm để đỡ ngán nếu thực khách ăn nhiều chén và tăng thêm hương vị cho món ăn".
Chén bánh hấp dẫn bởi màu vàng cánh gián của hành phi, nước mắm được chan xâm xấp. Bánh múc ra chén còn nóng hổi, chú quán cho vào một ít nhân thịt bằm xào. Sau khi mang bánh cho khách, cô Vân thường dặn khách "ăn đến đâu, múc đến đó mà không cần trộn". Điều này khiến bột bánh bên trong không bị nát.
Quán nằm trên đường Cửu Long, quận 10, gần công viên Lê Thị Riêng. Không gian khiêm tốn của địa chỉ này ghi điểm vì sạch sẽ và thoáng mát.
Mỗi chén bánh đúc có giá 15.000 đồng, thêm chả là 18.000 đồng. Bạn cũng có thể đổi vị với nhiều món ăn khác như: bánh mì xíu mại, bánh bột lọc, cháo sườn tim lưỡi... Quán cũng có phục vụ các loại nước giải khát.
0 nhận xét:
Post a Comment